Mua bán và sáp nhập
Mua bán và sáp nhập
Từ đầu năm đến nay, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản có phần kém sôi động hơn năm ngoái. Trong khi đó, năm ngoái ghi nhận loạt ông lớn ngoại như Gamuda, Capitaland, Kepple Land chi hàng triệu USD để mua lại một phần hoặc toàn bộ các dự án của doanh nghiệp địa ốc nội.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, M&A bất động sản vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế.
VARS cho rằng, hoạt động M&A được thúc đẩy bởi dòng vốn từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản, cũng như từ các nhà đầu tư Trung Đông. Đặc biệt, có sự xuất hiện nhiều hơn của các quỹ đầu tư tiếp cận. Bên cạnh phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở, trong quý 1, phân khúc bất động sản thương mại văn phòng và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng bắt đầu được các nhà đầu tư để ý.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS Research) đưa ra dự báo, hoạt động M&A các dự án bất động sản sẽ sôi động trong phần còn lại của năm 2024.
Bởi, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản còn yếu và chưa tiếp cận được vốn, trong khi chi phí phát triển dự án ngày càng tăng. Vì vậy, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực phát triển dự án tốt sẽ giúp họ duy trì hoạt động và phát triển.
Cùng đó, MBS Research nhận định biến động lãi suất của Mỹ đã giảm đi đáng kể, giúp bên mua dễ dàng hơn trong việc sắp xếp nguồn vốn để thực hiện thương vụ trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn sẽ chỉ tập trung tại các dự án đã có tình trạng pháp lý rõ ràng, chất lượng tốt và nhiều tiềm năng để phát triển dự án.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội dự báo hoạt động mua bán và sáp nhập năm 2024 "khởi sắc", thậm chí kéo dài sang đến năm 2025.
Bà Trang Bùi, Cushman & Wakefield cũng đưa ra dự báo một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán khá tích cực. Các mục tiêu đầu tư tập trung ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.